Ngày 16/2 (mùng 5 Tết), ghi nhận tại thị trường TP. HCM cho thấy, giá rau củ, quả, nước giải khát, giá thực phẩm tươi sống đã tăng do nhu cầu tiêu dùng cao.
Ngày 16/02 (mùng 5 Tết Tân Sửu), ghi nhận tại thị trường TP. HCM cho thấy, giá cả hàng hóa tiêu dùng bắt đầu dao động nhẹ so với những ngày trước đó. Đồng thời, một số ngành hàng có giá tăng như rau củ, quả, nước giải khát, thực phẩm tươi sống…
Cụ thể, tại mạng lưới chợ truyền thống như Bến Thành, Tân Định, Bà Chiểu, Hòa Hưng, Thạnh Đông Tây… có gần 80% tiểu thương, thương nhân đã trở lại hoạt động kinh doanh sau Tết.
Hầu hết đơn vị bán buôn đều chủ động tăng nguồn cung hàng hóa dồi dào về chợ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Bà Hạnh Chi, tiểu thương chợ Tân Định, TP. HCM cho hay, thời điểm sau Tết, người tiêu dùng có xu hướng tăng cường mua sắm trái cây và rau xanh để cân bằng dinh dưỡng vì trong kỳ nghỉ Tết đã tiêu thụ nhiều thịt gia súc, gia cầm.
Bên cạnh đó, vào tháng Giêng hàng năm, một bộ phận người dân có thói quen ăn chay hoặc ưu tiên lối sống xanh, nên có nhu cầu sử dụng nhiều sản phẩm rau củ, quả.
Tương tự, chị Thu Trang, tiểu thương chợ Thị Nghè, TP. Hồ Chí Minh cho biết, đối với ngành rau củ, quả thì giá bán lẻ tăng từ 1.000 – 5.000 đồng tùy theo loại.
Riêng những mặt hàng thủy hải sản có giá dao động phụ thuộc vào nguồn hàng nhập chợ mỗi ngày. Bên cạnh đó, đối với ngành hàng thủy hải sản còn phụ thuộc vào kích cỡ và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Hiện tại, mặt hàng cua cốm có nguồn gốc từ tỉnh Cà Mau, kích cỡ khoảng 4 con/kg được bán với giá 360.000 đồng/kg; giá tôm sú 20 con/kg là 340.000 đồng/kg; giá tôm thẻ 30 con/kg là 250.000 đồng/kg. Với thịt gia cầm, giá gà công nghiệp nguyên con 80.000 – 100.000 đồng/kg; gà ta 140.000 – 160.000 đồng/kg…
Theo tiểu thương, thương nhân tại TP. HCM, hiện tại các tỉnh, thành thuộc miền Nam, giá heo hơi dao động nhẹ từ 77.000 – 80.000 đồng/kg và nguồn cung vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường; trong đó, giá heo hơi giao dịch ở hai tỉnh Đồng Nai và Tiền Giang ở mức từ 78.000 đồng – 79.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với hôm qua (ngày 15/2 – mùng 4 Tết). Thành phố Cần Thơ, heo hơi có giá giảm 1.000 đồng/kg, với mức giao dịch phổ biến là 78.000 đồng/kg.
Đại diện Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản Vissan cho biết, giá bán nhiều sản phẩm thịt heo của Vissan đang được giảm giá từ 10%-20% cho đến hết ngày 16/2; trong đó, có thể kể đến những sản phẩm như thịt đùi lợn, nạc dăm lợn, sườn non lợn, ba rọi lợn, cốt lết lợn, thịt lợn xay; nạc đùi bò Úc, nạc vai bò Úc…
Báo cáo cập nhật giá cả thị trường của chợ đầu mối Thủ Đức, TP. HCM cũng cho thấy, ở ngành hàng rau củ, quả, trái cây, hoa tươi cắt cành… có nguồn cung nhập chợ dồi dào và giá cả hàng hóa dao động trong biên độ ổn định.
Điển hình, mặt hàng bắp cải có giá 25.000 đồng/kg; cà rốt 15.000 đồng/kg; đậu cove 30.000 đồng/kg; khổ qua 22.000 đồng/kg; rau muống 20.000 đồng/kg; xà lách mỡ 35.000 đồng/kg; cải bẹ xanh 25.000 đồng/kg…
Song song với mạng lưới chợ truyền thống, hầu hết trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi… trên địa bàn TP. HCM cho biết sẽ mở cửa toàn bộ điểm bán vào ngày mai (ngày 17/2 – mùng 6 Tết).
Ngoài ra, các điểm bán sau khi mở cửa sẽ hoạt động theo khung giờ bình thường để tạo điều kiện cho người tiêu dùng mua sắm hàng hóa thiết yếu sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Mặt khác, một số nhà bán lẻ trên địa bàn TP. HCM dự báo hiện nay đang bước vào giai đoạn cao điểm người dân về quê hay đi du lịch trở lại thành phố để tiếp tục nhịp sống ngày thường.
Do đó, sức mua trên thị trường TP. HCM có thể tăng cao trong những ngày tới, nhất là những nhóm ngành hàng như thực phẩm tươi sống, gạo, mì gói; đồ dùng gia đình, nhu yếu phẩm…
Để đáp ứng nhu cầu thị trường và đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP. HCM, doanh nghiệp bình ổn thị trường đã có sự chuẩn bị từ sớm và sẵn sàng cung ứng 57,5 triệu chiếc khẩu trang các loại (trừ khẩu trang chuyên dụng ngành y tế) và 3,29 triệu chai nước rửa tay sát khuẩn (1,2 triệu lít).
Đặc biệt, trong trường hợp ứng phó khẩn cấp phòng chống dịch COVID-19; các doanh nghiệp cam kết và sẵn sàng cung ứng lượng hàng bình ổn thị trường chi phối ở mức từ 35% đến 50% nhu cầu thị trường đối với những mặt hàng lương thực – thực phẩm.
Nguồn: TTXVN