VASEP cho biết mặc dù còn đối mặt với nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng từ thị trường Mỹ và Trung Quốc trong tháng 7 cho thấy nhu cầu từ thị trường tiêu thụ lớn đang có dấu hiệu ấm dần.
Xuất khẩu tôm của Việt Nam dần có tín hiệu khởi sắc ở một số thị trường
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), tháng 7, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt hơn 320 triệu USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức sụt giảm 16% trong tháng 7 là mức giảm thấp nhất kể từ đầu năm nay. Lũy kế 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt 1,9 tỷ USD, giảm 30% so với cùng kỳ.
Trong tháng 7 năm nay, xuất khẩu sang các thị trường lớn như Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Anh, Australia tiếp tục ghi nhận tăng trưởng âm từ 15%-46% trong khi tăng trưởng dương từ 18%-63% trong xuất khẩu sang một số thị trường nhỏ vẫn được duy trì như thị trường Singapore, Đài Loan, Thụy Sỹ. Điểm nổi bật trong tháng 7 năm nay đó là tăng trưởng dương trong kim ngạch xuất khẩu tôm sang Mỹ và Trung Quốc & Hong Kong.
Sau khi tăng trưởng âm liên tục trong suốt 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang Mỹ trong tháng 7 đã ghi nhận mốc tăng trưởng dương đầu tiên với mức tăng 14%. Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc & Hong Kong trong tháng 7 ghi nhận tháng tăng trưởng dương thứ hai kể từ đầu năm với mức tăng 49% lên 57 triệu USD.
Luỹ kế 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 338 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ.
Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, lượng nhập khẩu tôm nước ấm của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nay tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái lên 502.669 tấn. Tổng giá trị nhập khẩu tăng 29% lên 2,84 tỷ USD. Điều này cho thấy nhu cầu tôm của Trung Quốc mạnh mẽ bất chấp kinh tế phục hồi chậm chạp sau dịch COVID-19.
Nửa đầu năm nay, Ecuador tiếp tục tăng mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc. Sau khi Ecuador đẩy mạnh xuất hàng tồn kho giá rẻ kèm với việc thu hoạch bị hạn chế bởi thời thời tiết thì nguồn hàng của nước này trong những tháng cuối năm sang Trung Quốc sẽ giảm bớt. Nhu cầu thị trường Trung Quốc nửa cuối năm nay dự kiến vẫn tốt nên dự kiến xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc những tháng cuối năm nay vẫn sẽ khả quan hơn nửa đầu năm.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 7 năm nay đạt 76 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ 2022. Lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 375 triệu USD, giảm 32%.
VASEP cho biết mặc dù còn đối mặt với nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng từ thị trường Mỹ và Trung Quốc trong tháng 7 cho thấy nhu cầu từ thị trường tiêu thụ lớn đang có dấu hiệu ấm dần. Giai đoạn nửa cuối năm nay, qua cao điểm mùa vụ, sức cung giảm, giá tôm cũng gần chạm đáy, nhà nhập khẩu có động lực mua tích trữ. Mùa lễ hội, hàng chế biến sâu dễ tiêu thụ hơn cũng là lợi thế cho tôm Việt Nam.
“Dự kiến mức sụt giảm trong kim ngạch xuất khẩu tôm trong các tháng của quý III sẽ thu hẹp dần so với cùng kỳ và có thể phục hồi trở lại trong quý cuối năm”, VASEP nhận định.
Nhu cầu tôm của Trung Quốc có thể tăng 10% trong năm 2023
Tại Hội thảo Quốc tế Ngành tôm 2023 (INTERNATIONAL SHRIMP OUTLOOK FORUM 2023) do VASEP tổ chức, ông Willem Van Der Pijl, Giám đốc Diễn đàn Tôm Toàn cầu cho biết trong nửa đầu 2023, lượng tôm nhập khẩu của Mỹ giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái xuống361.693 tấn. Kim ngạch nhập khẩu tôm của nước này trong nửa đầu năm đạt 3 tỷ USD giảm29% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá tôm nhập khẩu tại Mỹ vẫn trong xu hướng giảm. Tính đến tháng 6, giá tôm nhập khẩu trung bình tại Mỹ quanh mức 8 USD/kg, thấp hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ấn Độ là nhà cung cấp tôm lớn nhất của Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2023, với tổng 129.260 tấn trị giá 1 tỷ USD, giảm 15% về sản lượng và 27% về giá trị so với cùng kỳ.
Ông cho rằng xu hướng nhập tôm ở Mỹ sẽ tăng vào những tháng cuối năm để phục vụ cho các dịp lễ tết. Tuy nhiên, nếu tình hình nửa cuối năm nay không cải thiện thì mức giảm về lượng nhập khẩu tôm của Mỹ bằng với nửa đầu năm là 18%.
Theo Undercurrent News, đối với các công ty xuất khẩu thì Mỹ, thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất thế giới, hiện vẫn đang trong giai đoạn khó khăn. Giá bán buôn vẫn chưa cải thiện đáng kể, trong khi giá bán lẻ vẫn ở mức cao đối với người tiêu dùng.
Kết quả là nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ sụt giảm, tôm bị đẩy ra khỏi giỏ hàng để nhường chỗ cho các loại protein rẻ hơn như ức gà (trung bình 4,2 USD/pound), sườn heo (4,6 USD/pound) và thịt bò xay (5 USD/pound). Người tiêu dùng Mỹ đã quen với việc mua hàng khuyến mại. Do đó, họ chờ đợi giá tôm giảm mới bắt đầu mua.
Với Trung Quốc, nửa đầu năm 2023, lượng tôm nhập khẩu của của nước này tăng mạnh sau thời kỳ dài đóng cửa vì COVID-19. Trong quý II, lượng tôm nhập khẩu của nước này tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc đang dần quay trở lại đà tăng trưởng nhập khẩu như trước thời kỳ COVID-19. Tuy nhiên, nửa cuối năm 2023, ông cho rằng Trung Quốc sẽ không tăng trưởng mạnh như nửa đầu năm, duy trì ở mức bằng so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung cả năm, lượng tôm nhập khẩu của thị trường này có thể tăng 10% so với 2022 lên hơn 1 triệu tấn.
Tại thị trường Nhật Bản, theo ông Willem Van Der Pijl lượng tôm nhập khẩu của Nhật Bản trong năm nay có thể giảm 9% so với so với 2022 xuống 194.349 tấn. Giá tôm tại Nhật Bản biến độ mạnh trong thời gian gần đây. Thị trường này chủ yếu nhập khẩu những sản phẩm tôm chế biến sâu, giá trị gia tăng cao.
“Tôi có hỏi khách hàng tại Nhật Bản liệu rằng tôm nguyên liệu từ Châu Mỹ La Tinh sẽ tăng dần không thì họ trả lời tôm chế biến nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam vẫn chiếm chủ đạo”, ông cho biết.
Tại EU, ông dự báo nhu cầu nhập khẩu tôm năm nay giảm khoảng 10% xuống 294.036 tấn.