Sử dụng đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách và đúng liều lượng sẽ đem lại hiệu quả và lợi ích kinh tế cao cho người chăn nuôi.
Trong quá trình chăn nuôi, việc người nông dân sử dụng thuốc tự phát, không theo chỉ định của bác sỹ thú y làm giảm hiệu quả của thuốc lên vật nuôi, gây mất an toàn thực phẩm, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Sử dụng không đúng liều lượng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y trong chăn nuôi sẽ dẫn đến khả năng tồn dư hóa chất trong thực phẩm. Lượng tồn dư này khó loại bỏ trong quá trình chế biến, bảo quản, nếu tích tụ sau một thời gian sử dụng có thể gây ra những bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tim mạch, chức năng sinh sản, giới tính, gây suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể, làm biến dạng triệu chứng bệnh lý, gây dị ứng, nhiễm độc gan, thận, thần kinh thính giác, xương… thậm chí gây ung thư và các bệnh nan y khác.
Sử dụng hợp lý, không quá lạm dụng
Thực tế cho thấy, có nhiều hộ chăn nuôi khi nhận thấy dấu hiệu của bệnh dịch trên động vật thường có xu hướng tự ý sử dụng các loại thuốc hoàn toàn theo kinh nghiệm truyền miệng, không theo khoa học. Có hộ dùng với liều lượng gấp hai, gấp ba lần so với liều được khuyến cáo, trong khi họ không hiểu biết hoặc hiểu rất ít về loại thuốc mình sử dụng. Nhiều trường hợp lại lạm dụng thuốc, gây ra những hậu quả đáng lường.
Sử dụng thuốc hợp lý theo đúng chỉ định của bác sỹ thú y hoặc các sơ sở thú y uy tín là một việc làm cần thiết nhằm đem lại hiệu quả cao trong quá trình chữa bệnh cho vật nuôi và đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Dùng đúng thuốc và đúng liều lượng
Để tăng cường sức đề kháng tự nhiên cho vật nuôi, người nông dân cần sử dụng một số chế phẩm sinh học để nâng cao sức đề kháng, gia tăng sự chuyển hóa, hấp thu thức ăn của vật nuôi. Bổ sung Vitamin C, Vitamin tổng hợp định kỳ cũng là biện pháp nhằm tăng sức đề kháng.
Khi vật nuôi bị bệnh, cần sử dụng thuốc đúng liều lượng, thời gian, theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc khuyến cáo của chuyên gia, bác sỹ thú y là cách tốt nhất để vật nuôi nhanh chóng khỏi bệnh.
Tuy nhiên, các hộ chăn nuôi cần lưu ý hạn chế việc dùng đi dùng lại một loại kháng sinh và không nên sử dụng thuốc kháng sinh để phòng bệnh cho vật nuôi, vì dễ làm cho vi khuẩn nhờn thuốc. Chỉ dùng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh các bệnh do vi khuẩn, sau khi đã xác định rõ mầm bệnh.
Trong quá trình điều trị, theo dõi tình trạng sức khỏe và hoạt động của vật nuôi để phát hiện ra những điểm bất thường, tác dụng phụ hay tác dụng không mong muốn của thuốc (nếu có dấu hiệu cần báo ngay cho các cơ sở thú y và làm theo hướng dẫn)
Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y trong chăn nuôi là điều không thể thiếu, nhưng làm thế nào để sử dụng chúng một cách tốt và hiệu quả nhất thì lại là điều không hề dễ dàng. Và thay đổi nhận thức về cách sử dụng các loại thuốc trong chăn nuôi chắc chắn mang lại cho nhà nông những lợi ích vô cùng to lớn.
Lan Anh