Từ đầu tháng 3/2021 đến nay, giá các loại thức ăn chăn nuôi (TACN) tiếp tục tăng mạnh, mức tăng dao động từ 300 – 800 đồng/kg. Giá TACN tăng trong khi giá thành sản phẩm không tăng, thậm chí nhiều mặt hàng còn giảm giá bán khiến cho người chăn nuôi đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Từ đầu tháng 3/2021 đến nay, tại khu vực miền Đông Nam bộ, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất TACN đã đồng loạt niên yết giá bán sản phẩm tăng thêm, mức tăng bình quân từ tăng 300 – 400 đồng/kg, cá biệt có DN sản phẩm TACN đã tăng 600 – 800 đồng/kg. Theo giới chăn nuôi, đây là đợt tăng giá liên tiếp trong 5 tháng gầy đây và chưa có dấu hiệu ngừng khiến cho ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản đứng ngồi không yên.
Bà Trần Thị Giang, chủ một đại lý TACN ở thị trấn Định Quán, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai cho biết, từ đầu tháng 3 đến nay, các loại TACN của các công ty như Lái Thiêu, CP. Việt Nam, De Heus…đã tăng 300 – 650 đồng/kg, mức tăng giá đợt này cao gấp đôi so với mức tăng giá bình thường trước đây. Hiện tại, giá mỗi bao TACN đã tăng 40.000 đồng/bao (loại 25kg) so với trước thời điểm tháng 10/2920.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cả nước hiện có 265 nhà máy sản xuất TACN, trong đó có 180 nhà máy thuộc DN trong nước (chiếm 68%) và 85 nhà máy thuộc DN có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm tỷ lệ 32%). Ngành chănn nuôi của Việt Nam hiện là quốc gia có quy mô và sản lượng tiêu thụ sản phẩm TACN đứng đầu Đông Nam Á.
Ngoài lượng TACN do các nhà máy trong nước cung cấp, các nhà nhập khẩu đã chỉ khoảng 6 -7 tỷ USD nhập nguyên liệu để sản xuất TACN. Chỉ tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã chi gần 650 triệu USD nhập khẩu TACN và nguyên liệu sản xất TACN, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước.
Theo các DN sản xuất TACN, một trong những nguyên nhân cơ bản làm giá các mặt hàng TACN liên tục tăng trên thị trường là do nguyên liệu để sản xuất TACN trong nước, đặc biệt là hàng nhập khẩu đã tăng mạnh trong thời gian gần đây. Giá nguyên liệu TACN nhập khẩu tăng là do dịch Covid- 19, ảnh hưởng đế sản lượng và giao thương. Mặt khác, gần đây thị trường Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu ngô, đậu tương, lúa mì và nhiều loại nông sản khác của các nước khiến cho giá nguyên liệu TACN chung trên thị trường thế giới tăng.
Đại diện một DN sản xuất TACN ở Bình Dương cho biết, từ thời điểm giữa năm 2020, giá nguyên liệu như ngô, đậu tương nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất TACN bắt đầu tăng giá, và tính đến thời điểm này giá đã tăng 30 – 35% so với cùng kỳ năm trước. Chưa hết, trước đây việc ký hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu theo năm hoặc quý nay chỉ ký được hợp đồng ngắn hạn nhưng vẫn không đủ nguyên liệu để sản xuất.
Giá TACN tăng mạnh đã ảnh hưởng đến các nhà máy sản xuất TACN trong nước và gây ra nhiều khó khăn cho người chăn nuôi vì giá thành chăn nuôi đã cao hơn giá bán. Đơn cử như tại địa bàn tỉnh Đồng Nai, chi phí chăn nuôi gà chiếm phần lớn là TACN và giá thành chăn nuôi hiện thấp hơn giá thành, do đó nuôi nhiều càng lỗ vốn.
Ông Huỳnh Đức Hiền (chủ trại chăn nuôi gà ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) tính toán, từ tháng 10/2020 (thời điểm giá TACN bắt đầu tăng) thì giá thành chăn nuôi loại gà trắng là 24.000 đồng/kg nên người nuôi còn có lời chút đỉnh. Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 3/2021, giá thành chăn nuôi gà trắng đã tăng lên 26.500 đồng/kg, trong khi giá gà xuất chuồng chỉ đạt 23.000 đồng/kg, tức lỗ 3.500 đồng/kg.
Giá TACN tăng cao, ngành chăn nuôi heo chưa ảnh hưởng nặng nề như chăn nuôi gia cầm vì giá heo hơi đang ở mức cao nhưng cũng đã tác động mạnh đến người chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nhỏ lẻ.
Theo tính toán của giới chăn nuôi heo ở khu vực miền Đông Nam bộ, tính từ thời điểm tháng 10/2002, giá thành chăn nuôi heo công nghiệp khép kín khoảng 40.000 đồng/kg; đến tháng 3/2021 tăng lên 44.000 đồng/kg và giá bán heo hơi hiện nay là 77.000 – 78.000 đồng/kg, mức lãi đạt trên dưới 33.000 đồng/kg. Nhưng với hoạt động chăn nuôi heo nhỏ lẻ, giá thành chăn nuôi hiện nay không dưới 55.000 đồng/kg, mức lãi chỉ hơn 20.000 đồng/kg là do người chăn nuôi không tự sản xuất dược TACN và phải mua với giá cao.
Các loại TACN đang tăng giá và chưa có dấu hiệu dừng là bất lợi lớn ảnh hưởng đến ngành công nghiệp chăn nuôi. Để ổn định sản xuất, các trang trại, hộ chăn nuôi đang mong muốn ngành nông nghiệp, nhất là các nhà máy sản xuất TACN có kế hoạch tìm kiếm thêm nguồn nguyên liệu để tăng sản lượng, điều tiết giảm giá bán để hỗ trợ người chăn nuôi trước nguy cơ “phơi chuồng” hàng loạt do lỗ vốn vì giá TACN lên cao.
Trần Thế (Báo Công Thương)